Bảo hiểm 2018: “Lấp lánh” những tín hiệu vui
Bối cảnh thị trường đang có nhiều tín hiệu “ủng hộ” cho ngành bảo hiểm duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2018.
“Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2017 là kết quả của một số yếu tố như tăng trưởng GDP cao, lãi suất và lạm phát ổn định, tỷ lệ người dân Việt Nam có khả năng mua các sản phẩm tài chính ngày càng gia tăng, kết hợp với sự nhận thức về tầm quan trọng của các giải pháp tài chính trong việc đáp ứng các mục tiêu tài chính cá nhân được nâng cao. Chúng tôi tin rằng, xu hướng tích cực này vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2018”, ông Larry Madge, Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam nhận định.
Cùng chung góc nhìn với ông Larry Madge, lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng bày tỏ sự lạc quan với triển vọng phát triển của thị trường này trong những năm tới.
“Nếu không có sự kiện bất thường nào thì doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của toàn thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng trên 30%. Cùng với sự thay đổi lớn về các phương thức tiếp cận khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng tư vấn kênh đại lý thì bancassurance cũng được đánh giá là kênh sẽ góp phần mang lại doanh thu phí mới rất tốt cho khối này”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho biết.
Theo dự tính của một số công ty bảo hiểm nhân thọ, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu khai thác mới của kênh bancassurance của khối nhân thọ có thể đạt trên 10% tổng doanh thu và dự kiến doanh thu từ kênh bán hàng này sẽ tăng trưởng gấp đôi so với doanh thu hiện tại.
“Những diễn biến mới của thị trường luôn giúp cho những công ty như BIDV MetLife phát triển kinh doanh hơn nữa. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào kênh bancassurance, đồng thời có đầu tư dài hạn vào các mô hình phân phối mới”, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife chia sẻ.
Trong khi đó, đối với kênh đại lý - mô hình bán bảo hiểm vẫn đang mang đến khoảng 90% doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng được nhìn nhận sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, đặc biệt khi đội ngũ đại lý/tư vấn bảo hiểm toàn thời gian được huấn luyện theo những tiêu chuẩn mới sẽ được một số doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra thị trường.
“Chất lượng các hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là tỷ lệ duy trì hợp đồng chắc chắc sẽ tốt hơn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.
Theo ông Lâm Hải Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ sang giai đoạn phát triển chuyên nghiệp và bền vững.
Để có được kết quả chung này, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều đã và đang đóng góp cho thị trường những danh mục giải pháp và sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đa dạng, đa dạng hóa các kênh phân phối và đẩy mạnh chất lượng dịch vụ khách hàng, đầu tư mạnh mẽ về đội ngũ nhân viên và đại lý…
“Đây là một tín hiệu tốt không chỉ mang lại ngày càng nhiều lợi ích hơn cho khách hàng, mà còn giúp toàn ngành giữ vững tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Tuấn nhìn nhận.
Phi nhân thọ: Có khả năng tăng trưởng 10-13%
Năm 2018, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Dự kiến kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sẽ thông qua Luật về Khu hành chính kinh tế đặc biệt. Luật đặc khu này được kỳ vọng tạo điều kiện mở tối đa, đảm bảo tính liên thông, cùng với đó là các nghị quyết có tính đặc thù… sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển ngay trong năm 2018.
Bên cạnh đó, từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu các mẫu xe ô tô từ ASEAN sẽ giảm xuống mức 0%. Bộ Công thương cũng đã đề xuất cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm ưu đãi tối đa cho xe sản xuất trong nước. Sự cạnh tranh giữa ô tô nhập khẩu và sản xuất trong nước sẽ đem tới nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, mang đến sự kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường ô tô tại Việt Nam.
Những yếu tố trên hứa hẹn sẽ tạo thuận lợi cho các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản, xây dựng - lắp đặt… tăng trưởng trong năm 2018. Ngoài ra, mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông hay viện phí tăng… sẽ tác động tới nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe của khách hàng.Thị trường này được dự báo vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 13% với xu hướng chung là các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển các kênh phân phối hỗ trợ cho các sản phẩm bán lẻ, do các sản phẩm bảo hiểm như hàng hải, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm kỹ thuật… được dự báo vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Dẫu có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo một số chuyên gia trong ngành, khó kỳ vọng vào một sự tăng trưởng đột phá cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2018. Bởi nỗi lo về tổn thất và tỷ lệ bồi thường đối với những nghiệp vụ có “tiền sử” bồi thường cao như xe cơ giới, sức khỏe hay bảo hiểm cháy nổ chưa hẳn đã hết.
“Thiên tai bất ngờ và quản lý yếu kém của các doanh nghiệp, cùng chi phí cao do cạnh tranh không lành mạnh vẫn là các mối nguy cơ làm cho các doanh nghiệp bảo hiểm lỗ kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp đang chiếm thị phần cao của thị trường bảo hiểm, công tác quản trị rủi ro, quản lý chi phí và nâng cao chất lương phục vụ khách hàng vẫn là những yêu cầu ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch kinh doanh 2018 và các năm tới”, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh chia sẻ.