Bừa bãi hay gọn gàng, bẩn hay sạch - bạn chọn cách nào để con sáng tạo?
Bạn đã bao giờ “dừng hình” khi thấy nền nhà đầy những nét vẽ, các vết đất cát bùn nhão, thậm chí cả nước sốt… do con bạn, trong quá trình vui chơi, làm vấy bẩn? Bạn sẽ làm gì, nghiêm cấm con tái diễn lần sau, hay tích cực cổ vũ chúng: “Hey em bé, đống bừa bãi sáng tạo vẫn tốt hơn sự gọn gàng nhàn rỗi".
Xin chúc mừng, bạn đã làm đúng. Bạn không thể kiến tạo ra trí tưởng tượng hộ con bạn, tuy vậy, tin mừng là bạn vẫn có thể nuôi dưỡng nó, thông qua việc cung cấp cho bé một môi trường - khi môi trường ấy không chỉ là mớ hỗn độn để dọn dẹp, mà còn là nơi chứng minh rằng em bé của bạn đã thành công trong việc phát triển sức sáng tạo của bé với thế giới xung quanh. Sáng tạo có thể khó nuôi dưỡng, nhưng thật dễ dàng để cản trở, hãy cởi mở và cùng học cách chắp cánh cho sức khám phá vô cùng của bé.
Sáng tạo có thể được định nghĩa là việc đưa ra những ý tưởng độc đáo, hoặc nhìn thế giới hay các vấn đề với đôi mắt tươi mới. Ai cũng có khả năng sáng tạo, chúng ta tiếp cận với sự sáng tạo để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày, và tất cả chúng ta cần cả sự bay bổng để sống một cách trọn vẹn. Sáng tạo đích thực - dù ở mức cá nhân hay vĩ nhân, đều là những món quà tuyệt vời cho tương lai.
Một nghiên cứu so sánh các gia đình có các em bé được đánh giá sáng tạo hơn trong trường học so với các trẻ em khác, đã cho ra kết quả đáng suy nghĩ: Cha mẹ của các em bé bình thường có trung bình sáu quy tắc, như lịch trình cụ thể cho bài tập về nhà và đi ngủ. Cha mẹ của những đứa trẻ sáng tạo có mức trung bình ít hơn một quy tắc, thay vào đó họ có xu hướng khuyến khích trẻ tự suy nghĩ và "nhấn mạnh vào các giá trị đạo đức", nhà tâm lý học Harvard, Teresa Amabile, cho biết.
Khi nhà tâm lý học Benjamin Bloom nghiên cứu về nguồn gốc của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, vận động viên và các nhà khoa học tầm cỡ thế giới, ông đã chỉ ra rằng cha mẹ họ đã không ước mơ nuôi được những đứa trẻ siêu sao. Đơn giản là họ biết cách trả lời động lực nội tại của con cái. Khi con của họ tỏ ra hứng thú và nhiệt tình trong kỹ năng, cha mẹ hỗ trợ chúng. Từ đó ta có thể thấy, cha mẹ khuyến khích con mình theo đuổi sự xuất sắc và thành công - nhưng trước hết họ khuyến khích trẻ tìm "niềm vui trong công việc". Trẻ em được tự do phân loại, lựa chọn các giá trị phù hợp và phát huy sở thích của riêng mình.
Các nghệ sĩ dương cầm hòa nhạc hàng đầu không phải ngay lập tức đã gặp những người thầy ưu tú, mà những bài học đầu tiên của họ đến từ các giảng viên địa phương, những người biết ươm mầm nên niềm vui của học tập. Ngay cả những vận động viên giỏi nhất cũng có những khởi đầu bỡ ngỡ không kém những đồng nghiệp khác, nhưng điều tuyệt vời là họ đã có những huấn luyện viên khiến môn thể thao mà họ theo đuổi trở nên thú vị.
“Lý thuyết tương đối đã xảy ra với tôi bằng trực giác, và âm nhạc là động lực đằng sau trực giác này”, Albert Einstein từng nói. Mẹ của ông từng ghi danh cho ông tham dự lớp học Violin khi ông mới 5 tuổi, nhưng tình yêu với âm nhạc của ông chỉ nảy nở thực sự khi ông mê đắm các bản nhạc của Mozart. Einstein cho rằng “Tình yêu là một giáo viên giỏi hơn nghĩa vụ”.
Danh họa Pablo Picasso có câu nói trứ danh: “Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ, vấn đề là làm sao để giữ lại người nghệ sĩ ấy khi chúng trưởng thành”. Chúng ta không thể cho con cái tài năng bẩm sinh, nhưng chúng ta có thể bồi dưỡng con mắt, tai và trí óc của con. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể giúp chúng đạt được sự tập trung, năng lực, sự kiên trì và lạc quan cần thiết để thành công trong việc theo đuổi sáng tạo.
Muốn làm được điều đó, bạn có thể vận dụng những phương pháp sau:
Người ta sẽ trở nên khôn lớn hơn nhờ kinh nghiệm, thế nhưng không có nghĩa là bạn nên đem kinh nghiệm của mình để áp đặt cho bé. Điều bé cần chỉ là là những kinh nghiệm cần thiết về sự an toàn. Hãy để trẻ nhìn thế giới này như một nơi đầy ắp những khả năng có thể, mặc chúng tự do khám phá, trải nghiệm và tìm tòi.
Để phát huy được sự sáng tạo, trẻ cần được nuôi dưỡng cá tính, cái nhìn riêng độc đáo, và đôi khi nó sẽ khiến bé khác biệt và lạc lõng so với các trẻ khác. Bé cần sự hỗ trợ của cha mẹ để chống lại áp lực ấy. Điều lành mạnh thực sự không phải là trở nên phổ biến, mà là trẻ có được ít nhất một người bạn tốt, hoặc sự tin tưởng với chính cha mẹ để có thể giãi bày.
Hãy để cho trẻ thử nghiệm mọi thứ trong tầm kiểm soát của bạn: vẽ phấn trên vỉa hè, trộn màu thực phẩm với các nguyên liệu trong bát, vết nước sốt bẩn trên sàn nhà… Hãy cung cấp cho trẻ “bộ dụng cụ” với những thứ gì không gây hại cho trẻ: vật liệu cắt dán, sticker, bút màu, giấy vẽ để bé có thể thực hành tại tất cả những nơi an toàn mà bé thích... Không cần phải đi xa, ngay sàn nhà hay tường nhà cũng có thể trở thành sân chơi tuyệt vời cho bé.
Hãy biến nghệ thuật sáng tạo lại trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của cả gia đình để thúc đẩy bé hơn nữa. Thậm chí, bạn còn có thể tìm kiếm “inner child”- đứa trẻ nội tại trong mình, vốn đã bị đời sống của người trưởng thành che lấp, bằng cách chơi và học sáng tạo cùng với con. Bữa cơm ngon hơn nhờ mẹ và con cùng trình bày sáng tạo. Ai cũng “chất và độc đáo” hơn nhờ những bộ quần áo tự chế. Cuộc sống dễ thở hơn khi bạn thôi quá bận tâm về việc giữ sạch sàn nhà, nơi bé đang thoải mái làm nghệ sĩ.
Văn hóa đại chúng thường đem lại một cái nhìn khá thiếu cân bằng về các nghệ sĩ: Đó là những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần, cảm xúc xáo trộn mãnh liệt. Mệnh đề này không hề tất yếu để bạn quên đi việc bồi dưỡng sự tập trung và một tinh thần lành mạnh cho trẻ. Hãy ở bên con khi con cần tâm sự, đảm bảo sinh hoạt của con không quá thiếu điều độ khi con quá chìm đắm vào công việc của mình, đưa ra các hình mẫu lành mạnh để con tham khảo.
Các vết bẩn hóa ra thân thiện hơn bạn nghĩ nhiều. Chúng chính là “dụng cụ học tập” hữu hiệu và rẻ tiền nhất mà lũ trẻ có thể tìm thấy, giúp kích hoạt triệt để trí óc của trẻ.
Hãy bắt đầu tạo ra một thế hệ các nhà địa chất học, các nhà sinh vật học, các nhà khảo cổ, và những người làm các công việc thú vị nhưng "lấm bẩn" đầy say mê ngay từ bây giờ.