Chiến tranh thương mại
Trên chuyến bay từ Sri Lanka quá cảnh Kuala Lumpur tuần rồi, tôi ngồi cạnh Arthur, một doanh nhân Trung Quốc.
Khoảng 50 tuổi, thấp và mập, Arthur có khuôn mặt đầy đặn, mắt một mí, nhưng phong cách nhanh nhẹn, tiếng Anh đặc giọng Mỹ và nụ cười dễ mến. Song để ý kỹ, tôi thấy đôi khi ông lộ vẻ mệt mỏi và căng thẳng. Arthur là người Trung Quốc, có visa định cư tại Mỹ và hiện làm quản lý vùng tại một tập đoàn Trung Quốc. Người bạn đồng hành cho biết ông đang trên đường về nước sau khi một thương vụ tại Sri Lanka bị “gãy”.
Xuống sân bay Kuala Lumpur, Arthur nhiệt tình mời tôi đi ăn để tiếp tục câu chuyện dang dở. “Tôi quý anh”, ông ta đã trở nên thân mật, “Nếu anh cần phát triển kinh doanh tại châu Á, cứ bảo tôi. Tôi có đầu mối khắp nơi”. “Cám ơn! Nhưng bây giờ có phải thời gian thích hợp để mở rộng kinh doanh? Ông nghĩ sao về ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ - Trung?”, tôi hỏi. “Có trời mà biết”, Arthur ta nhún vai, tay bóp chặt ly cà phê, giọng chùng xuống, “Anh thấy đấy, tôi cũng đang phải trở về cố hương”.
“It takes two for Tango” - Cần hai người để thành điệu nhảy. Câu thành ngữ của người Mỹ quả là hợp để miêu tả mối quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian dài trên bức tranh kinh tế thế giới. Hai quốc gia đã sánh đôi cùng lướt trên sàn diễn. Mỹ là một xã hội tiêu dùng đặc trưng, nơi GDP và mức độ tăng trưởng của nó phụ thuộc chủ yếu vào mức cầu của thị trường nội địa. Còn Trung Quốc - công xưởng của thế giới - có thể sản xuất thượng vàng hạ cám với quy mô khổng lồ và chi phí vô cùng hợp lý.
Các chuyên gia phân tích, nhờ chuỗi cung ứng tại Trung Quốc mà giá thành sản xuất của mỗi chiếc iPhone đã giảm tới 65 USD. Chẳng thế mà ngay khi Công ty Apple đạt đỉnh giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, đã có quan chức Trung Hoa đăng đàn nói rằng, thành công đó có phần từ Đại lục.
Nhưng khi điệu nhảy, nhạc sàn và ánh đèn màu chưa tắt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hay “cuộc chiến tranh lạnh lần hai” như cách gọi của vài học giả đã bùng nổ. Sẽ có ai đó ngạc nhiên, nhưng không phải là các nhà hoạch định chiến lược và tầng lớp tinh hoa của Mỹ. Với họ, điều đó là tất yếu, vấn đề chỉ là thời điểm, như câu nói của Larry Ellsion, ông chủ tập đoàn Oracle: “Hoặc là số một, hoặc chẳng là gì cả”.
Sau 40 năm mở cửa, Trung Quốc đã có sự phát triển kinh tế đáng nể, và trở thành nước duy nhất có thể đe dọa sự thống lĩnh về kinh tế của Mỹ. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu, GDP của của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030.
Donald Trump đã quyết định hành động. Hơn 10 năm trước, khi những cuốn sách về kinh doanh đầu tiên của doanh nhân Trump được chuyển ngữ sang tiếng Việt, tôi hân hạnh viết lời tựa. Ấn tượng mạnh nhất với cá nhân tôi là những chiêu thức hết sức thực dụng, sắc lạnh theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” mang dấu ấn rất “Trump”. Và chiêu thức đó, ngày hôm nay được thể hiện qua từng bước rất bài bản của tổng thống Trump: từ trừng phạt đến tê liệt Tập đoàn ZTE - có cổ đông lớn nhất là các công ty nhà nước của Trung Quốc - làm màn dạo đầu, đến bước tiếp theo là chuỗi trừng phạt nhân danh quyền sở hữu trí tuệ. Là nước có ngân sách dành cho Nghiên cứu và Phát triển lớn nhất thế giới, Mỹ không muốn quốc gia nào sống ký sinh trên chất xám của họ.
Ai sẽ thắng trong cuộc chiến này? Còn quá sớm để nói lời kết luận chỉ sau tiếng cồng của hiệp đấu đầu. Tôi nhớ câu chuyện đọ tiền của Thạch Sùng trong truyện cổ Việt Nam, tay nhà giàu mới nổi chịu thua cuộc chỉ vì thiếu một mảnh sành vỡ. Trong cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” qua lại giữa hai quốc gia, mỗi bên đều có khá nhiều những mảnh sành phòng thân. Mỹ - với bí quyết công nghệ đỉnh cao, và thị trường nội địa vững mạnh luôn đủ sức chịu đựng với mọi cơn bão bên ngoài. Họ còn có sự hậu thuẫn vững chắc từ những liên minh lâu đời, như EU, Canada, Nhật Bản.
Lợi thế của phía Trung Quốc, sẽ là túi tiền rủng rỉnh hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, sự chấp nhận khó khăn thách thức của người dân dù muốn hay không, và thời gian cũng sẽ là đồng minh của họ.
Cuộc chiến giữa hai cường quốc kinh tế, mà cả hai đều là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, sẽ có tác động tiêu cực nền kinh tế, từ xuất khẩu, tài chính đến đầu tư. Bên cạnh đó, còn là nguy cơ cơn lũ hàng Trung Quốc tràn qua Việt Nam, bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước, và mượn danh để xuất sang nước thứ ba, không ngoại trừ cả Mỹ. Đó là mặt tối của tấm huy chương khi chúng ta hòa nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đặc khu Hong Kong là một ví dụ tốt cho Việt Nam tham khảo. Có vị trí địa lý ngay cạnh đại lục, cùng có Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác giao thương chủ chốt, nhưng Hong Kong lại “miễn nhiễm” nhờ xuất khẩu dịch vụ thay vì hàng hóa như chúng ta. Bên cạnh đó, sự thực thi luật pháp nghiêm minh là con đê đủ vững chắc trước cơn lũ hàng Trung Quốc mượn danh.
Từ lâu, công nghệ thông tin và dịch vụ đã được coi là một mũi nhọn cần phát triển của Việt Nam nhờ nguồn lao động trẻ dồi dào, mạnh về toán và khoa học cơ bản, nhưng khoảng cách giữa hiện thực và ước vọng vẫn còn quá xa vời. Và sự thực thi luật pháp vẫn là dấu hỏi lớn trong việc bảo đảm sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nếu không chuyển điệu nhảy kịp thời để khớp từng loại nhạc, sẽ có ngày chúng ta đồng loạt thở dài khi xách vali từ thương trường trở về, như người đồng hành Arthur của tôi.