ĐBQH: Phán quyết của tòa xử vụ Nguyễn Khắc Thủy là thách thức pháp luật!
Với tội xâm hại, dâm ô trẻ em và với những gì mà bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã biểu hiện thời gian qua khiến ai chứng kiến cũng phẫn nộ, giận dữ thì việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này chẳng khác nào là sự thách thức pháp luật.
Infonet xin giới thiệu bài viết của ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐB tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) viết riêng cho Infonet trước vụ việc đang gây phẫn nộ trong dư luận xã hội: tòa án tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tuyên 18 tháng án treo đối với bị cáo phạm tội dâm ô trẻ em Nguyễn Khắc Thủy tại phiên phúc thẩm thay vì 3 năm tù giam như án sơ thẩm.
Mức án 3 năm vẫn còn rất nhẹ
Những ngày qua, thông tin tòa án Bà Rịa- Vũng Tàu tuyên 18 tháng án treo đối với bị cáo phạm tội dâm ô trẻ em Nguyễn Khắc Thủy tại phiên phúc thẩm thay vì 3 năm tù giam như án sơ thẩm, đã một lần nữa khiến chúng ta có quyền nghi ngờ sự minh bạch trong các quyết định tư pháp có liên quan đến trẻ em. Dư luận xã hội có quyền giận dữ và bức xúc trước sự những phán quyết gây tổn hại sâu sắc đến quyền lợi của trẻ mà lẽ ra, quyền lợi này phải được đảm bảo tốt nhất theo luật định.
Là người đã từng lên tiếng, đã từng gởi chất vấn đến các bộ ngành liên quan đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đã có những góp ý cụ thể cho Luật hình sự sửa đổi về tội xâm hại tình dục trẻ em trong vai trò là ĐBQH và thực tiễn công tác trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em- bình đẳng giới, tôi thừa hiểu việc tìm kiếm chứng cứ pháp lý đối với tội dâm ô trẻ em theo quy định pháp luật hiện hành là một điều hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, trong vụ án này, với việc dành thời gian theo dõi trong quá trình các gia đình nạn nhân tìm kiếm công lý cho đến khi vụ án được truyền thông vào cuộc và đưa ra xét xử, thì với tôi mức án sơ thẩm 3 năm vẫn còn rất nhẹ so với hành trình, nỗ lực và cả sự đau thương mất mát mà gia đình của những nạn nhân đã trải qua, đã chịu đựng. Đó là một sự bất nhân đối với gia đình họ.
Với kết quả của phiên tòa phúc thẩm lần này, tôi thật sự thất vọng và cảm thấy phẫn uất thay cho những nạn nhân. Tôi không tin rằng, đây là một bản án đảm bảo tính công lý và cả sự thấu đạt về đạo lý.
Nếu lý do giảm án mà Tòa phúc thẩm đưa ra như thông tin báo chí cung cấp: đó là chưa đủ căn cứ pháp lý để kết tội, bị cáo đã già yếu bệnh tật, là người có nhiều cống hiến...thì tôi hay bất kỳ ai cũng có quyền nghi ngờ về động cơ, nhận thức của Hội đồng xét xử trong vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này.
Tinh thần nhân đạo trong thực thi pháp luật phải luôn được xem xét một cách thận trọng, thấu tình đạt lý và phải dựa trên cơ sở của hành vi, mức độ phạm tội, thái độ nhận tội cùng với các yếu tố bắt buộc theo luật định chứ không thể đặt cho, ban phát một cách dễ dãi. Với tội xâm hại, dâm ô trẻ em và với những gì mà bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã biểu hiện thời gian qua khiến ai chứng kiến cũng phẫn nộ, giận dữ thì việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này chẳng khác nào là sự thách thức pháp luật.
Chưa nói đến tội ác mà ông ta gây ra đối với những đứa trẻ vô tội, sự thách thức, dọa nạt và chối tội của ông một cách công khai ở phiên sơ thẩm đã cho thấy một bị cáo đầy tinh ranh, thừa sức khỏe để có thể tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội và cho trẻ em, thật khó để dung tha.
Phán quyết của tòa bào mòn niềm tin vào sức mạnh công lý của người dân
Chính Hội đồng Xét xử cũng thừa nhận Cơ quan Điều tra đã điều tra đúng người đúng tội “Lẽ ra bị cáo phải là tấm gương tốt nhưng ở đây bị cáo lại có hành vi dâm ô với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của các cháu, gây bất bình trong dư luận”.
Nhưng sự phán quyết cuối cùng của Tòa án đã mâu thuẫn với những lập luận trước đó, đã phá vỡ mọi nỗ lực đương đầu với tội ác, đã bào mòn niềm tin vào sức mạnh công lý của mọi người dân, là nguồn cơn của sự giận dữ, phẫn nộ của dư luận xã hội những ngày qua. Sự nghiêm minh uy quyền của pháp luật, sự vững chắc của công lý đang hiện hữu ở đâu trong vụ án này? Tiếng nói, nguyện vọng, quyền được bảo vệ của trẻ em trước vấn nạn bạo hành, xâm hại tình dục, sự lên tiếng tham gia biểu đạt chính kiến của công luận đang tồn tại ở đâu trong xã hội này?
Tâm hồn của các em đã bị vấy bẩn, trái tim các em đã chịu tổn thương, thể chất các em đã bị tổn hại nghiêm trọng, sự phát triển của các em đã không còn cơ hội toàn diện nữa. Và gia đình người thân của các em phải chịu những cú sốc tinh thần sẽ không có gì bù đắp nổi, sẽ không bao giờ cân bằng lại được.
Các vị hãy đặt mình trong cảm xúc của dư luận, trong tâm trạng xã hội những ngày qua để hiểu được nguồn cơn của sự phẫn nộ, để thấy tội ác này cần phải nhận trừng trị thích đáng và kiên quyết loại bỏ. Hãy đặt mình vào nỗi đau của con trẻ để hiểu được những trải nghiệm tâm lý của chính nạn nhân phải đối mặt hàng ngày.
Cuối cùng, tôi mong các vị hãy đặt mình vào lòng trắc ẩn của một con người, vào trái tim của những người đã làm cha làm mẹ, làm ông làm bà để yêu thương, để ánh sáng của lương tri soi rõ hình hài và bồi đắp sức mạnh công lý mà các vị được trao quyền nhân danh.
Pháp luật, nếu không đủ mạnh và vững chắc để bảo vệ che chở cho một đứa trẻ sẽ trở thành tấm gương phản chiếu về niềm tin của nhân dân đối với một chính phủ kiến tạo và minh bạch mà chúng ta đang nỗ lực hướng đến.