Dưa hấu 1.000 đồng/cân vẫn ế, nông dân “khóc ròng”
Câu chuyện “được mùa - mất giá” lại tiếp tục xảy ra tại tỉnh Quảng Nam khi giá dưa hấu rơi xuống còn 1.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ nặng. Để giải quyết đầu ra cho dưa hấu, ngày 11.5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam gửi thư kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu, giúp bà con vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, việc kêu gọi mọi người tiêu thụ dưa chỉ là giải pháp tình thế. Hiện nay, lượng dưa còn tồn đọng trong dân khoảng 55ha, với sản lượng khoảng 1.300 tấn. Diện tích dưa hấu chủ yếu tập trung tại huyện Phú Ninh, có khoảng 500 ha ở các xã Tam Phước, Tam Thành, Tam Lộc, Tam An...
Theo cơ quan chức năng, sở dĩ giá dưa hấu giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc ngưng nhập bởi lượng dưa trong nước đã cung cấp đủ.
Vì sao giá dưa hấu rớt thảm?
Kể từ đầu năm 2018, giá dưa hấu có những thời điểm tăng vọt lên đến 12.000đ/kg, dù có rớt giá cũng còn đến 8.000đ/kg. Như vậy, nếu tính toán, trừ hết chi phí thì người nông dân thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào. Giá dưa hấu đầu vụ năm nay khá cao nên người trồng dưa có lãi. Chính vì thấy lãi mà nhiều người đổ xô đi trồng dưa hấu mà không cần biết đến quy hoạch hay đầu ra như thế nào. Tuy nhiên, do giá dưa luôn bấp bênh, lại phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc nên người nông dân mới dẫn tới tình cảnh được mùa, mất giá như hiện nay.
“Nhiều năm qua, dưa hấu là loại cây trồng không nằm trong quy hoạch, nông dân trồng tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi phần lớn xuất theo đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nhu cầu thị trường Trung Quốc là có, nhất là mặt hàng dưa và nông sản. Nhưng cần có tổ chức sản xuất để đảm bảo yêu cầu quy định, đúng quy hoạch, đúng tiêu chuẩn chất lượng thì mới xuất khẩu được. Người nông dân trước khi tổ chức sản xuất bất cứ một mặt hàng nào thì cần tìm hiểu nội dung, quy định của nước ngoài và trong nước thì chúng ta mới có đầu ra ổn định và bền vững,” - đại diện Bộ Công thương cho biết.
Lâu nay, vì chưa tìm được đầu ra ổn định cho cây dưa hấu nên ngành nông nghiệp chưa đưa vào quy hoạch. Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sẽ làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc, trao đổi cụ thể về việc tiêu thụ dưa hấu. Nếu ký kết được hợp đồng thương mại, ngành nông nghiệp địa phương này sẽ đưa cây dưa hấu bổ sung vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Thương lái Trung Quốc thao túng nông sản Việt
Chẳng riêng gì quả dưa hấu mà câu chuyện thương lái Trung Quốc ép giá nông sản còn xảy ra ở các mặt hàng thanh long, chuối, mít, cà chua… Trung Quốc hiện là thị trường chính của trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu được đưa vào thị trường này qua đường biên mậu, tiểu ngạch. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là xuất thô, giá trị thấp. Cách thức mà các thương lái Trung Quốc áp dụng là trả giá cao, vào tận vườn lùng mua để bà con nông dân thấy siêu lãi rồi đua nhau trồng cây, đến khi nông dân ồ ạt trồng theo, được mùa thì lại ngừng mua để ép bán giá rẻ. Bằng cách đó, thương lái Trung Quốc nhiều năm qua đã thao túng thị trường nông sản Việt.
Và điệp khúc “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa” vẫn tiếp diễn. Thậm chí, gần đây liên tục xuất hiện những đợt “giải cứu” nông sản Việt. Làm sao để nông sản có được đầu ra ổn định đang là bài toán hóc búa đặt ra cho các cơ quan quản lý lúc này.
Tại Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, 1 chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc kết nối tiêu thụ nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nhất là trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư sản xuất nông nghiệp; sản lượng và chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và các điều kiện về hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Mặt khác, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng nên tăng cường tuyên truyền cho người nông dân, khuyến cáo việc trồng theo quy hoạch, tìm đầu ra bền vững cho nông sản, Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt, xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, VietGHAP, hữu cơ…