Grab sắp thôn tính thành công Uber ở Đông Nam Á, bao gồm cả thị trường Việt Nam?
Grab đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để ký thỏa thuận với Uber nhằm thôn tính toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng xe này trong khu vực Đông Nam Á. Thỏa thuận dự kiến được ký trong tuần này hoặc tuần tới.
Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Grab sẽ mua lại hoạt động kinh doanh của Uber ở một số thị trường nhất định tại Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ được nắm giữ một phần cổ phiếu của Grab. Phương thức thực hiện thỏa thuận gần giống với sự việc Didi Chuxing thôn tính hoạt động của Uber tại Trung Quốc trong năm 2016.
Hiện tại, chưa thể xác định được lượng cổ phần Uber sẽ sở hữu là bao nhiêu. Tuy nhiên, một nguồn tin cho rằng nó sẽ nằm trong khoảng 15 tới 20%.
Grab cũng đã bàn thảo về thương vụ này với các nhà đầu tư, trong đó có cả SoftBank và các nhà đầu tư mới, để tăng vốn. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khoản mà Grab và Uber chưa tìm được tiếng nói chung nên khoảng thời gian ký kết có thể sẽ thay đổi. Cả Grab và Uber đều từ chối bình luận về thông tin này.
Với đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Grab Anthony Tan, thỏa thuận mua lại Uber sẽ chấm dứt cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Đông Nam Á. Ở thời điểm hiện tại, Uber vẫn là đối thủ chính của Grab tại các thành phố chính ở khu vực có dân số 620 triệu người này.
Trong khi đó, tân CEO của Uber Dara Khosrowshahi đang nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của công ty để chuẩn bị cho thương vụ IPO vào năm tới. Rút khỏi thị trường Đông Nam Á sẽ giúp Uber tăng lợi nhuận thay vì đốt tiền. Kể từ khi xuất hiện 9 năm trước, Uber đã đốt hết 10,7 tỷ USD để chiếm lĩnh thị trường này. Tuy nhiên, Khosrowshahi vẫn cam kết giữ các thị trường trọng điểm ở châu Á như Nhật Bản và Ấn Độ.
Zafar Momin, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng, Grab có nhiều cơ hội thành công hơn Uber ở Đông Nam Á vì họ hiểu được bối cảnh riêng của khu vực. Uber mang tới Đông Nam Á hình thức kinh doanh đã giúp họ thành công trên cả thế giới và chỉ biến đổi một chút để phù hợp hơn với đặc tính địa phương.
Trong khi đó, SoftBank cũng trở thành cổ đông lớn nhất của Uber từ tháng 1/2018. Người ta dự đoán gã khổng lồ này sẽ khuyến khích Grab và Uber hạn chế cạnh tranh với nhau. Thay vào đó, Uber sẽ tập trung vào các thị trường cốt lõi như Mỹ, châu Âu, châu Mỹ-latin và Australia. Ngoài ra, SoftBank cũng nắm giữ cổ phần của cả Didi và Ola ở Trung Quốc.
Hiện tại, có hơn 81 triệu lượt tải ứng dụng Grab trên điện thoại di động ở 178 thành phố lớn khắp Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Hiện tại, chưa thể xác định được Việt Nam có nằm trong số những thị trường mà Uber nhượng lại cho Grab hay không.