Hà Nội đang loay hoay với BRT?

20:00 - 13/03/2018

Trước việc đề xuất cho phép các phương tiện đi vào làn BRT, một số chuyên gia, người dân cho rằng, Hà Nội đang lung túng với loại hình vận tải này.

Trước việc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đề xuất thành phố Hà Nội cho phép xe buýt thường dùng chung làn với xe BRT, cũng như cho các phương tiện đi vào làn BRT từ 23h đến 4 giờ sáng hôm sau, một số chuyên gia, người dân cho rằng, Hà Nội đang lúng túng với loại hình vận tải này.

Theo lý giải của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, thành phố chỉ ưu tiên cho buýt thường đi chung vào làn của buýt nhanh BRT ở những nút giao cắt, chứ không cho buýt thường tham gia toàn tuyến buýt nhanh BRT.

Hà Nội đang loay hoay với BRT? - Ảnh 1.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đề xuất thành phố Hà Nội

cho phép xe buýt thường dùng chung làn với xe BRT


Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cũng đề xuất cho các phương tiện khác được sử dụng làn đường BRT từ 23h đến 4h sáng hôm sau. Bởi thực tế, về đêm, ít phương tiện lưu thông trong khung giờ này, song nếu đi vào làn BRT thì vẫn bị phạt vì có hệ thông camera giám sát. Để tránh phiền hà cho người dân nên mới có đề xuất này.Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho biết: "Những nút giao thông ùn tắc xảy ra tương đối nhiều. Nếu chúng ta giải quyết được khó khăn này-cho xe buýt thường được qua các nút nhanh nhất, giảm ùn tắc nhanh nhất thì không những xe buýt thường được cải thiện dịch vụ, mà xe buýt nhanh theo đó cũng được cải thiện dịch vụ. Chúng tôi đề xuất xe buýt thường chạy vào làn buýt nhanh không phải toàn tuyến mà linh hoạt ở các vị trí, đặc biệt là vị trí qua nút".

PGS.TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội nói: "Lượng khách của xe buýt nhanh cũng tương đối lớn so với một tuyến trung bình. Nhưng nếu xét về tiêu chí rất nhiều tiền để đầu tư cho tuyến BRT này, chúng ta phải ưu tiên cả 1 làn xe và trong giờ cao điểm tần suất của nó cũng chẳng cao thì chưa hiệu quả. Trên thế giới có thể vận hành nhiều tuyến trên một hành lang, nhưng nhu cầu đi lại trên tuyến đấy rất cao, để đảm bảo chạy được với tần suất rất mau, chứ không phải như chúng ta đang khai thác hiện nay".

Đề xuất cho xe đi vào làn BRT, thừa nhận thất bại ban đầu? VOV.VN - Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị vừa đề xuất cho các phương tiện khác đi vào đường buýt nhanh BRT trong một số khung giờ.

Đồng tình với đề xuất cho xe buýt thường vào làn BRT trong giờ thấp điểm, song vào giờ cao điểm, theo các chuyên gia giao thông cần tính toán kỹ. Bởi, giờ cao điểm các nút giao thông luôn ùn ứ, nhịp đèn không phù hợp, vô hình chung làm tắc cả làn buýt thường lẫn buýt nhanh. Các chuyên gia cũng kiến nghị, trong thời điểm được xem như thử nghiệm hiện nay, thành phố cần xem xét cho buýt thường vào trả khách chung với điểm đón trả khách của buýt nhanh BRT nhằm tăng hiệu quả của giao thông công cộng.

Là người thường xuyên tham gia giao thông bằng xe buýt, ông Trần Văn Tâm, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho rằng, qua số lượng hành khách đi xe, việc cơ quan vận hành phải tính các phương án điều chỉnh, rõ ràng xe buýt nhanh mà Hà Nội đang triển khai chưa đạt được kỳ vọng như ban đầu.

"Chúng ta chưa thể nói thất bại hay không thất bại trong việc Hà Nội triển khai xe buýt nhanh BRT, nhưng rõ ràng là có vấn đề. Bởi, xe buýt nhanh chưa đạt được mục tiêu ban đầu của nhà chức trách đặt ra khi triển khai xe buýt nhanh trong thành phố. Cá nhân tôi cho rằng có sự nóng vội trong phát triển giao thông công cộng ở Hà Nội, thiếu đi quy hoạch tổng thể cũng như định hướng có tính chất chiến lược" - ông Tâm nói.

 

Đăng ký để nhận thông tin
Bình luận

Tin cùng chuyên mục