Hàng xách tay
Năm 2017, khi ở Mỹ, tôi được nghe về một số sinh viên bỏ học, kiếm sống bằng sữa công thức.
Đó là những người trẻ dính vào cơn lốc ma túy trong thành phố. Họ xuất hiện trong siêu thị, ăn cắp các món hàng, và bán lại cho những kẻ sẵn sàng tiêu thụ đồ ăn cắp. Nhưng món hàng mà bạn tôi, một sinh viên đại học ở đó, đề cập đến rất đặc biệt: sữa công thức. Bạn kể trong trường cô đã có hai sinh viên bị bắt khi đang bán lại mấy hộp sữa mà họ lấy được.
Đến tháng 5/2018, báo The New York Times lý giải cơ chế của hành vi này trong một bài phóng sự lớn mang tên “Đường dây tội phạm sữa công thức trẻ em”.
Bài viết mô tả những ngày bình thường của một bà mẹ đơn thân và một người bạn của gia đình. Họ gặp nhau, đưa con đi chơi ở công viên. Ở đó, họ nói về một thương vụ kéo dài nhiều năm: cùng điều hành nhịp nhàng một đường dây chuyên thu mua các hộp sữa công thức đắt tiền không có hóa đơn và không cần nguồn gốc.
Hệ thống siêu thị và cảnh sát đã phải bỏ cả năm trời để theo dõi những người rất bình thường đó, một bà nội trợ, một cặp đôi yêu nhau, một doanh nhân... để khám phá ra một công ty khổng lồ chuyên mua các hộp sữa công thức ăn cắp từ siêu thị, đóng thành container đi đến Trung Quốc. Mỗi đơn hàng trị giá cả triệu đô. Bà nội trợ “vô hại” trong bài viết thuê cả kho hàng để chứa hàng ngàn hộp sữa ăn cắp đã thu mua.
Lý do những đường dây ăn cắp sữa công thức xuất hiện tràn ngập tại Mỹ là vì người giàu có ở Trung Quốc muốn sử dụng sữa công thức cho con cái họ, tin rằng sữa công thức có gắn nhãn “Made in USA” tốt hơn những sản phẩm từ nước khác.
Ăn cắp là một ngành công nghiệp béo bở, đặc biệt khi yếu tố địa lý biến các sản phẩm công nghiệp thành “đặc sản”. Kho hàng của nhóm người Việt với 1.700 sản phẩm vừa bị bắt tại tỉnh Saitama, Nhật Bản tiết lộ một thứ gì đó tương tự với câu chuyện ở Mỹ mà tôi kể ở trên.
Ám ảnh về hàng hóa kém chất lượng trên thị trường tạo ra nhu cầu thúc bách mua “hàng xách tay” với những dòng chữ “Made in USA”, “Made in Japan”... Người tiêu dùng có tiền muốn con cái có được sữa an toàn, tã an toàn, các sản phẩm dùng trên da, trang phục, sức khỏe an toàn hơn. Nhật Bản, với niềm tin ổn định của các thương hiệu hàng tiêu dùng, là điểm đến hoàn hảo cho nhu cầu đó.
Từ rất nhiều năm nay, cụm từ “hàng xách tay” đi kèm với ý niệm về sản phẩm cao cấp, an toàn, không bị nhiễm hóa chất hoặc đúng chuẩn “hàng hiệu”. Đặc biệt, các gia đình có điều kiện rất ưa chuộng sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho gia đình, trẻ em vì độ bền, tốt, an toàn và dễ chịu. Tại Việt Nam, chúng ta đều có thể dễ dàng mua bất kỳ món hàng Nhật, hàng Mỹ, hàng châu Âu xách tay nào trên mạng.
Sản phẩm từ Nhật Bản nổi bật hơn hẳn vì giải quyết được tất cả những tiêu chuẩn đó. Nhiều người Việt tại Nhật có lẽ sớm nhìn thấy tiềm năng trên đã nhanh chóng hệ thống hóa ngành công nghiệp của mình bằng mạng lưới người Việt chuyên đi dạo siêu thị và và “xách tay” về những món đồ khách hàng Việt Nam yêu thích.
Đó có lẽ là lý do dòng chữ cảnh báo người Việt ăn trộm luôn được ưu tiên viết bằng tiếng Việt trong nhiều siêu thị ở Nhật. Trong khi người Việt tại Việt Nam than phiền về sự xấu hổ dân tộc mà họ mang vác thay cho những người đang chạy đường dây tiêu thụ hàng ăn cắp từ Nhật, thì sức ép đầy hấp dẫn của “hàng xách tay” càng khiến những hành vi này nở rộ trong cộng đồng người Việt tại Nhật.
Nếu muốn cải thiện hình ảnh “chôm chỉa” của mình ở những quốc gia phát triển như Nhật Bản, đã đến lúc chính những người có trách nhiệm tại Việt Nam nghiêm túc nhìn nhận rằng những hành vi kinh doanh ngay tại Việt Nam là quân cờ domino xô cả một dây chuyền buôn bán lệch lạc chuyển động. Hàng xách tay về nước dễ dàng không cần giấy tờ, những container “xách tay” ồ ạt cập cảng thị trường... rồi hàng xách bay bán nhan nhản ở các trang mạng, các ngôi nhà từ trong hẻm ra mặt tiền. Và người ta tự hào nói với nhau, rằng cái này là hàng xách tay đấy.
“Văn hóa hàng xách tay” nếu không chỉnh đốn, sẽ tiếp tục là mồi lửa kích thích những băng nhóm người Việt mạnh tay hơn khi len lỏi trong các siêu thị ở nước ngoài.
Và hình ảnh người Việt theo đó khó có thể uy tín và tử tế hơn trong mắt cộng đồng quốc tế.
Nguồn: VNexpress