Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Bốn đặc trưng khác biệt của hợp đồng bảo hiểm là tính may rủi, hợp đồng theo mẫu, hợp đồng song vụ và tính đền bù không xác đinh được ở thời điểm giao kết hợp đồng trừ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm: Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.
Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
- Hợp đồng bảo hiểm con người;
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Khác với các loại hợp đồng khác, hợp đồng bảo hiểm có 4 đặc trưng cơ bản sau:
1. Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mang tính may rủi
Hợp đồng bảo hiểm là phương tiện để các bên thiết lập với nhau một quan hệ mà nội dung chủ yếu là chuyển dịch rủi ro từ bên mua bảo hiểm sang bên nhận bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm nhằm thông qua quan hệ bảo hiểm để đạt được sự an toàn, bình ổn về tình trạng kinh tế của mình trong những trường hợp xuất hiện rủi ro gây ra tổn thất về tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính mình cũng như của người khác mà mình phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2. Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu
Điều này thể hiện ở chỗ bên tham gia bảo hiểm không được quyền đàm phán hoặc sửa đổi, các điều khoản chủ yếu của hợp đồng mà doanh nghiệp đã đưa vào hợp đồng mẫu. Bên tham gia bảo hiểm chỉ tuân thủ hoặc có thể từ chối kí kết vào hợp đồng bảo hiểm.
Với hợp đồng bảo hiểm bắt buộc là loại hợp đồng do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Loại hợp đồng này các chủ thể bắt buộc phải tham gia trong những trường hợp nhằm bảo vệ lợi ích công cộng, trật tự an toàn xã hội.
Với hợp đồng bảo hiểm tự nguyện: thường thì các doanh nghiệp bảo hiểm thường đưa ra nội dung của hợp đồng như mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, sự kiện bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm… nhưng không ảnh hưởng đến tính tự nguyện của bên tham gia bảo hiểm. Cuối cùng, quyền quyết định việc tham gia bảo hiểm hay không và tham gia với doanh nghiệp bảo hiểm nào vẫn do bên tham gia bảo hiểm quyết định.
3. Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ
Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ bởi trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, các bên thực hiện các nghĩa vụ và quyền theo thoả thuận của hợp đồng bảo hiểm. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
Nghĩa vụ của bên được bảo hiểm (bao gồm người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng): Cung cấp thông tin cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; Thông báo những thay đổi liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiể; Nộp phí bảo hiểm; Thông báo sự kiện bảo hiểm xảy ra; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, hạn chế tổn thất.
Ứng với nghĩa vụ của bên được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có các quyền cơ bản sau:
- Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
- Yêu cầu bên được bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
- Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
- Từ chối bồi thường bảo hiểm khi sự kiện xảy ra bị loại trừ, không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm;
- Yêu cầu bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đề phòng rủi ro, hạn chế tổn thất.
Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ:
- Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm;
- Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
- Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường;
- Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Bên được bảo hiểm có các quyền sau:
- Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản, tài liệu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; cung cấp thông tin về hợp đồng bảo hiểm đã giao kết; giữ bí mật các thông tin mà bên được bảo hiểm đã cung cấp;
- Được cấp hợp đồng bảo hiểm hoặc bằng chứng của hợp đồng bảo hiểm đã giao kết;
- Được bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thoả thuận của hợp đồng bảo hiểm;
- Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong một số trường hợp;
- Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận của hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật.
4. Tính đền bù trong hợp đồng bảo hiểm không xác định được ở thời điểm giao kết hợp đồng trừ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Các quan hệ bảo hiểm được hình thành từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, song bên bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Nghĩa là rủi ro được bảo hiểm chỉ là giả thiết xảy ra trong tương lai nhưng không biết chính xác diễn biến sự kiện sẽ xảy ra ở đâu, bao giờ và cụ thể rủi ro là gì, mức độ tổn thất bao nhiêu… Mua bảo hiểm chính là phòng tránh rủi ro trước khi nó xảy ra.
Điều 571 Bộ luật dân sự 2005: “Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm”.
Xuất phát từ đặc tính của bảo hiểm nhân thọ: không chỉ chuyển giao rủi ro đơn thuần mà còn nhằm đáp ứng các nhu cầu khác như là tích luỹ tài chính, đầu tư …của khách hàng bảo hiểm nhân thọ.
Bảo hiểm nhân thọ lại có thể bảo hiểm được cho biến cố chắc chắn xảy ra trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm nhưng vẫn bấp bênh về mặt thời điểm xảy ra (chẳng hạn như hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trọn đời bảo hiểm cho sự cố chết của người được bảo hiểm) hoặc sự cố tự tử đã không còn là ngẫu nhiên đối với người được bảo hiểm vẫn có thể được bảo hiểm khi hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực được một khoảng thời gian nhất định (thường là từ hai năm trở lên).