Nguyên Giám đốc Bệnh viện tỉnh Hòa Bình vắng mặt tòa: Luật sư nói gì?
Nguyên Giám đốc Bệnh viện xin vắng mặt tại tòa, trong khi đó, bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 7/5 vừa qua, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra cuối tháng 5, năm ngoái.
Phiên tòa sẽ được mở lại ngày 15/5 tới và vấn đề đang được quan tâm hiện nay là mặc dù nguyên nhân tử vong được xác định là do nước dùng để chạy thận tồn dư hóa chất độc hại sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước RO, nhưng ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện lúc bấy giờ lại chỉ bị cách chức và mới đây đã xin được vắng mặt tại tòa.
Trong khi đó, bác sĩ Hoàng Công Lương (người ra y lệnh chạy thận) bị truy tố thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trước ý kiến cho rằng, việc truy tố bác sĩ Lương là khiên cưỡng và "lấp chỗ trống" VOV phỏng vấn luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - một trong 6 luật sư đăng kí bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương để thêm một góc nhìn về vấn đề này.
Luật sư Lê Văn Thiệp- Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. |
Luật sư Lê Văn Thiệp: Quan điểm của tôi là để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật, theo hồ sơ và chứng cứ cho thấy, nếu việc xét xử không có mặt của ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ Công ty Trâm Anh đã thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị lọc nước RO đối với đơn nguyên thận nhân tạo của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình suốt nhiều năm qua, gần 20 lần.PV: Thưa luật sư Lê Văn Thiệp, sau sự cố chạy thận làm 8 bệnh nhân tử vong, ông Trương Quý Dương chỉ bị cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và không bị xử lý trách nhiệm hình sự. Trong khi dư luận cho rằng, xử lý như thế là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì ngày 7/5 vừa qua, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình lại cho biết, ông Dương xin được vắng mặt tại tòa. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Công ty Trâm Anh cũng là một đơn vị không có chức năng, không được cấp phép khi thực hiện ngành nghề kinh doanh có điều kiện (sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị y tế), không có các chuyên môn về y tế dẫn đến họ đã thực hiện sai, trong đó có việc sử dụng hóa chất cấm. Nếu không có sự có mặt của ông Dương thì tôi cho rằng việc giải quyết vụ án này sẽ không triệt để và sẽ làm oan người vô tội.
Các cơ quan tố tụng của tỉnh Hòa Bình và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ phải có những biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bắt buộc ông Dương phải có mặt ở tòa để làm rõ các tình tiết có liên quan đến việc ký kết các hợp đồng với Công ty Thiên Sơn, vì sau đó, Công ty Thiên Sơn tiếp tục ký hợp đồng chuyển sang đơn vị thứ 3 là Công ty Trâm Anh. Theo quy định của Luật đấu thầu, nhà thầu chính có thể tìm nhà thầu phụ nhưng không vượt quá 10% gói thầu nhưng họ lại chuyển giao 100% giá trị của gói thầu.
Nếu ông Dương không có mặt tại phiên tòa thì vụ án có thể sẽ bị bế tắc, vì phải làm rõ xem ông ấy có biết hay không biết việc Công ty Thiên Sơn, chuyển giao cho Công ty Trâm Anh. Thứ 2 là theo quy chế bệnh viện cũng như các quy định khác của luật, giám đốc bệnh viện phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu không triệu tập được ông Dương đến phiên tòa thì sẽ không thỏa mãn yêu cầu chứng minh các chứng cứ có trong hồ sơ.”
PV: Có thông tin cho rằng, ông Trương Quý Dương đang ở nước ngoài. Nếu thông tin này là đúng sự thật thì những vấn đề pháp lý nào được đặt ra, thưa ông?
Luật sư Lê Văn Thiệp: Trong trường hợp này, ông Trương Quý Dương là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Ông Dương cũng là người lãnh đạo trực tiếp nơi xảy ra hành vi bị coi là phạm tội (xảy ra tai biến chạy thận nhân tạo làm chết 8 bệnh nhân). Theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh thì ông Dương không được xuất cảnh. Đơn vị nào cho ông Dương được xuất cảnh thì cần phải xem xét lại trách nhiệm của đơn vị đó.
PV: Thưa ông, dư luận cũng cho rằng 2 bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ phòng vật tư Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Bùi Mạnh Quốc, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xử lý nước Trâm Anh bị truy tố là cần thiết; nhưng việc truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương là khiên cưỡng. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
Luật sư Lê Văn Thiệp: Quan điểm của chúng tôi là việc truy tố bác sĩ Lương với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không có căn cứ pháp luật, không có bất kỳ bất kì một quy định nào của pháp luật chỉ rõ bác sĩ Lương thiếu trách nhiệm nào, quy định ở đâu?!
Trong trường hợp này chúng tôi cho rằng không thể đưa ra trách nhiệm tưởng tượng vì bác sĩ phải tuân thủ theo quy định khám chữa bệnh, các quy định khác của pháp luật và quy tắc nghề nghiệp. Hội đồng chuyên môn là cơ quan cao nhất để chứng minh người bác sĩ có thực hiện đầy đủ các quy trình khám chữa bệnh hay không.
Chúng tôi nhận thấy theo kết luận của Hội đồng chuyên môn đã kết luận, không có chứng cứ nào chứng minh thân chủ của chúng tôi phạm tội. Trong phiên tòa sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị, yêu cầu phải có mặt những người có liên quan như đại diện Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Hội đồng chuyên môn cũng như đại diện liên quan đến kinh tế (về hợp đồng mua sắm tài sản công) của Sở Y tế Hòa Bình để trả lời rõ về vấn đề này.
PV: Xin cảm ơn ông!