Những quy định nợ phí bảo hiểm cần nắm rõ
Theo quy định mới nhất thì nợ phí bảo hiểm phải có tài sản đảm bảo để giảm tranh chấp, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, nợ phí bảo hiểm cũng không được bồi thường theo quy định.
Tình trạng khách hàng nợ đóng phí bảo hiểm đã trở thành vấn nạn khá phổ biến tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Quy định mới tại Thông tư 194/2014/TT-BTC có hiệu lực từ 1/2/2015 đã ràng buộc điều kiện khách hàng nợ phí phải có tài sản đảm bảo.
Quy định nợ phí bảo hiểm, phải có tài sản đảm bảo
Theo thông tư 194/2014, quy định mới này cho phép khách hàng được nợ phí bảo hiểm, nhưng phải có điều kiện ràng buộc. Đó là bên mua bảo hiểm phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, tất nhiên điều này phải được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, trường hợp khách hàng nợ phí và có tài sản bảo đảm, DN và bên mua bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản bảo đảm phải có giá trị ít nhất bằng số phí bảo hiểm còn phải nộp và phải có tài liệu chứng minh thuộc sở hữu của bên mua bảo hiểm và chưa được dùng để thế chấp, cầm cố hoặc đảm bảo thực hiện các trách nhiệm khác của bên mua bảo hiểm. Còn nếu nợ phí có bảo lãnh thanh toán thì tổ chức thực hiện bảo lãnh phải có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh và phải có hợp đồng về bảo lãnh thanh toán phí bảo hiểm. Với quy định mới này, doanh nghiệp bảo hiểm đỡ được nỗi lo mất phí vì nợ xấu.
Thông tư 194/2014 cũng quy định rõ về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, bao gồm cả thời gian gia hạn, ấn định rõ không được vượt quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, thay vì để các bên tự cam kết trong hợp đồng bảo hiểm như trước đây. Thậm chí, với trường hợp đóng phí 1 lần, thời hạn bảo hiểm dưới 30 ngày thì thời hạn thanh toán phí bảo hiểm cũng không vượt quá thời hạn bảo hiểm.
Muốn nợ phí bảo hiểm phải có tài sản đảm bảo
Cùng với việc quy định về tài sản đảm bảo, việc khống chế 30 ngày về thời hạn thanh toán phí được cho là sẽ hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN bảo hiểm, khi trước đó, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho “thoải mái” nợ phí để "giữ chân" khách hàng. Cùng với đó, sẽ hạn chế tranh chấp phát sinh khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, khi DN bảo hiểm từ chối bồi thường do khách hàng vẫn còn dây dưa phí bảo hiểm.
Để đi đến quy định trên, trước khá nhiều đề xuất trái chiều của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) đã thể hiện rõ quan điểm cương quyết không khuyến khích nợ phí không theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, bởi tập quán quốc tế là khách hàng phải trả phí trước khi được bảo vệ.
Nợ phí bảo hiểm có được bồi thường?
Theo quy định hiện hành, nhà bảo hiểm chỉ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm khi khách hàng đã nộp phí và khi đó trách nhiệm bảo hiểm mới phát sinh. Quy định thì đơn giản như vậy, song thực trạng của việc cho nợ phí, dẫn đến tranh chấp muôn hình vạn trạng và kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp xét xử, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ tốn thời gian và nhân sự theo đuổi vụ kiện, mà còn ảnh hưởng hình ảnh, uy tín đối với khách hàng.
Một vụ việc của Công ty Hoàng Phát và PJICO Bình Định, năm 2006, hợp đồng bảo hiểm hỏa hoạn được hai bên ký kết. Theo đó, PJICO Bình Định nhận bảo hiểm rủi ro tài sản và hàng hóa cho Công ty Hoàng Phát theo quy tắc bảo hiểm trong thời gian 12 tháng kể từ ngày 1/5/2006 và phí bảo hiểm phải nộp vào ngày 5/5/2006; quá kỳ hạn 10 ngày mà không nộp phí, hợp đồng đương nhiên không còn hiệu lực. PJICO Bình Định đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho Công ty Hoàng Phát, trong đó có ghi rõ: “Giấy chứng nhận bảo hiểm này có hiệu lực với điều kiện người được bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm cho PJICO Bình Định”.
PJICO Bình Định xuất hóa đơn thu tiền phí và chiều 25/7/2006, Công ty Hoàng Phát đóng phí qua ủy nhiệm chi; thực tế, đến 15h ngày 26/7/2006, số phí này mới nhập về tài khoản của PJICO Bình Định. Trong khi đó, 0h30 phút ngày 26/7/2006, kho gỗ của Công ty Hoàng Phát bùng cháy.
Phía khách hàng đòi bồi thường 6,7 tỷ đồng, bởi vì PJICO Bình Định đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm đã phát sinh, song phía PJICO Bình Định từ chối với lý do không nộp phí đúng hạn, hợp đồng không còn hiệu lực. Công ty Hoàng Phát đã khởi kiện, tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc PIJICO Bình Định phải bồi thường. Tuy nhiên, tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện. Không chấp nhận kết quả phiên tòa phúc thẩm, Công ty Hoàng Phát đã có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm, nhưng bị TAND Tối cao bác đơn.
Theo TAND Tối cao, Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng DN bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng. Trong vụ tranh chấp này, các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng rằng, việc PJICO Bình Định cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho Công ty Hoàng Phát được xem là bằng chứng DN bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm, nhưng cũng thỏa thuận ngày nộp phí và nếu quá thời hạn 10 ngày thì hợp đồng không còn hiệu lực. Do Công ty Hoàng Phát nộp phí quá thời hạn, nên hợp đồng không còn hiệu lực và doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường.
Không được bồi thường khi nợ phí bảo hiểm
Cần kiên quyết với tình trạng nợ phí
Mặc dù nợ phí dẫn đến nhiều hậu quả, mà trong đó có những vụ kiện kéo dài nhiều năm về tranh chấp bồi thường, về đòi nợ phí, nhưng thực tế do cạnh tranh, giành khách, nhiều DN bảo hiểm chưa thực sự “cứng rắn” với nợ phí. Lãnh đạo các DN bảo hiểm đều khẳng định, không cho khách hàng nợ phí bảo hiểm, nhưng khi triển khai ở cấp cơ sở, không ít trường hợp không tuân thủ chủ trương này.
Khi có tranh chấp về bồi thường, mà nguyên nhân xuất phát từ lý do nộp phí chậm, thì Điều 15, Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu trên thường được viện dẫn. Tuy nhiên, xét cụ thể tình tiết các vụ tranh chấp, không chỉ đơn giản là không nộp phí thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực và không phải bồi thường. Hai vụ việc tranh chấp nêu trên kéo dài nhiều năm và đến gần đây mới kết thúc cho thấy sự phức tạp và vai trò quan trọng của các thỏa thuận khác trong giấy chứng nhận bảo hiểm, trong quy tắc bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm. Đặc biệt, hợp đồng bảo hiểm được coi là hết hiệu lực khi khách hàng không nộp phí đúng thời hạn quy định, nhưng khi DN bảo hiểm đã thu khoản phí bị chậm đó, tức là DN chấp nhận khôi phục hiệu lực hợp đồng.
Đó là những quy định nợ phí bảo hiểm cần nắm rõ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Với những quy định này, doanh nghiệp có thể khắc phục tình trạng nợ phí tồn đọng kéo dài. Đây cũng là công cụ để doanh nghiệp đàm phán với khách hàng, nếu khách hàng đề nghị nợ phí (trả chậm) phải có tài sản đảm bảo.