Ông chủ Digiworld: 24 tuổi đem biệt thự cầm cố vay tiền cho sếp, dạy con về tiền bạc từ nhỏ để ‘con nhà khá giả’ không ngộ nhận tài sản bố mẹ là quyền lực bản thân!

19:00 - 24/02/2018

Trong những cái may mắn trên thương trường của ông Đoàn Hồng Việt, có một cái may đến từ người cha nhất mực tin con và trao quyền cho con. Nhưng ông quan niệm ông sẽ giáo dục con theo cách khác. "Con nhà khá giả dễ ngộ nhận tiền bạc của gia đình là quyền lực của nó", ông Việt giải thích lý do ông trò chuyện với con khi 12 – 13 tuổi để con ông hiểu thế nào là tài sản, tiêu sản…

Lập nghiệp không cần bán nhà, bán xe, thất bại cùng lắm là đi làm thuê, kiếm lương 5.000 USD nuôi vợ!

"Bỏ túi" hơn 20 năm kinh nghiệm thương trường với việc gây dựng CTCP Thế giới số Digiworld (Mã chứng khoán: DGW), mỗi khi trò chuyện với các bạn trẻ, doanh nhân tuổi Tuất Đoàn Hồng Việt thường nhắn nhủ: "Các bạn đang có một cái vốn rất quý. Vốn này không bao giờ mất đi, mà càng ngày càng nhiều lên".

Vốn ấy, theo cắt nghĩa của vị Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Digiworld, là Trí tuệ và Uy tín.

Kết quả hình ảnh cho doan hong viet

"Tài sản có thể đem đi thế chấp, làm ăn thua lỗ có thể phải bán mất cái nhà. Nhưng có những tài sản không bao giờ mất đi. Trí tuệ chỉ khi tim ngừng đập mới mất. Còn gìn giữ được Uy tín, với những mối quan hệ rộng mà có uy tín sẽ có nhiều người giúp đỡ và mang đến cơ hội kinh doanh cho mình", ông Việt chia sẻ.

"Hồi trước khi mới thành lập công ty, tôi nói với Trang (bà Tô Hồng Trang, vợ ông – PV): Cùng lắm là anh đi làm thuê, lương tháng 5.000 USD vẫn nuôi vợ được. Chẳng có gì phải sợ!"

Nhưng thực tế, khi lập nghiệp ông Việt không cần phải bán nhà, bán xe, và cũng không cần phải đi làm thuê.

Nhờ tính nhạy bén trong kinh doanh, ông bắt được trend của thị trường rất đúng lúc và có phần may mắn.

Năm 1997, ông mở công ty lấy tên Công ty TNHH Hoàng Phương – tiền thân của Digiworld bây giờ. Khi ấy, Việt Nam bắt đầu phổ cập Internet cho mọi người. Điều này dẫn đến việc cá nhân và những doanh nghiệp bình thường có cơ hội dùng email, Internet, có nhu cầu dùng máy tính để bàn (PC) rất nhiều.

Thời điểm ấy, Thái Lan gặp khủng hoảng tài chính, đồng Baht mất giá phân nửa nên giá cả hàng hóa nhập về rẻ đi rất nhiều. Cộng thêm sự giúp sức của người bạn bên Thái mang hàng về Việt Nam, ông Việt tích lũy vốn khá nhanh.

Ông Việt cho biết ông được mọi người giúp đỡ và mang lại cơ hội kinh doanh khá nhiều. Digiworld làm trong lĩnh vực phân phối, ngay cả với các đối tác sản xuất, dù người làm ở các doanh nghiệp sản xuất "nhảy việc" sang công ty khác, ông Việt cho biết họ vẫn nhớ tới Digiworld và quay trở lại hợp tác cùng ông.

Ông Việt cũng bày tỏ quan điểm quản trị doanh nghiệp bền vững quan trọng hơn các chiêu trò kinh doanh ngắn hạn.

"Trong quản trị doanh nghiệp, quan trọng nhất là tất cả mọi người từ trên xuống dưới, nhất là những người cận kề nhất với mình, cảm thấy cùng chung một mục đích với nhau. Mục đích đấy không chỉ là đi làm kiếm tiền dù thu nhập là yếu tố cần đảm bảo, mà là mọi người trong công ty cùng chia sẻ tầm nhìn, lợi ích, mới có thể phát huy được hết năng lực của các thành viên trong công ty".

"Còn trong kinh doanh đương nhiên phải có chiêu trò, nhưng nó chỉ là Tactics (chiến thuật). Chỉ dùng chiến thuật mà quản trị không vững thì doanh nghiệp khó đi xa", ông Việt phân tích.

Digiworld mới kỷ niệm 20 năm thành lập hồi cuối năm 2017. Tại doanh nghiệp này, ông Việt giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Bà Tô Hồng Trang, vợ ông, giữ chức Phó Tổng Giám đốc. Hai vợ chồng ông Việt hiện đang sở hữu khoảng 2,6 triệu cổ phiếu DGW, tương ứng với 55,5 tỷ đồng.

Chuyện chàng trai Đoàn Hồng Việt 24 tuổi đem biệt thự cầm cố vay tiền cho sếp, dạy con về tiền bạc từ nhỏ để ‘con nhà khá giả’ không ngộ nhận tài sản bố mẹ là quyền lực bản thân

Trong những cái may mắn trên thương trường, có một cái may đến từ người cha nhất mực tin con và trao quyền cho con.

"Nhà có hai anh em, bố tôi cho mỗi con một cái biệt thự. Hồi đó mới có hai mấy tuổi, tôi đã mang sổ đỏ biệt thự ra thế chấp để vay tiền ngân hàng", ông Việt kể.

Lần thế chấp đó vào khoảng năm 1994, khi Digiworld chưa thành lập và ông Việt còn đang đi làm thuê.

Việc thế chấp biệt thự vay tiền ngân hàng lần đó nhằm giải quyết tình trạng "kẹt" tài chính cho công ty ông Việt đang làm thuê để xử lý một đơn hàng lớn còn dang dở.

Đó là một deal phân phối 100 máy tính server cho người dùng cuối là một ngân hàng, người bán cũng là đối tác quen.

"Hiện tượng đem nhà thế chấp để vay tiền cho sếp nghe có vẻ kinh, nhưng thực sự xem xét nội tình thì không quá rủi ro".

"Deal này tôi đã theo khá lâu, bỏ mất thì rất phí nên tôi mượn giấy tờ nhà đi thế chấp để vay ngân hàng. Thực ra nó không quá rủi ro vì tôi biết người mua, người dùng cuối cùng. Và tôi tin tưởng sếp, tin rằng sếp nhận tiền bên kia rồi sẽ trả lại tiền vay cho mình", ông Việt kể lại.

* Lúc biết ông mang sổ đỏ đi cầm, bố ông phản ứng thế nào?

Bố tôi không ý kiến gì cả, chỉ hỏi mang sổ đỏ đi cầm làm gì, chứ không soi sét việc ấy mình làm thế nào, có mất vốn hay không. Cụ quyết định rất rõ là đã cho rồi thì sau này có mất hay không tôi tự chịu trách nhiệm.

Cụ rất rõ ràng, đặt niềm tin vào con cái, và dám chấp nhận rủi ro, dù rằng mất cái nhà cũng là mất một khoản tiền to.

* Sau này với con mình, ông có hành xử tương tự?

Sau này sẽ khác một chút. Thời xưa, bố tôi không làm kinh doanh, không có kiến thức về tài chính… Con tôi thì tôi bắt đầu nói chuyện từ khi nó 12 – 13 tuổi để con hiểu giá trị đồng tiền, hiểu thế nào là tài sản, tiêu sản, dẫn chứng để nó hiểu.

Con nhà khá giả dễ ngộ nhận tiền bạc của gia đình là quyền lực của bản thân. Tôi lấy dẫn chứng những người nổi tiếng, nhưng nổi tiếng về xe đẹp, tiêu xài xa hoa này nọ nhưng tiêu bằng tiền bố mẹ thì sẽ không được mọi người tôn trọng thế nào.

Tôi bảo con rằng: Nếu những thứ ấy thực sự là của con, do con dùng tiền kiếm được để mua thì mọi người lúc đấy mới tôn trọng con. Còn giờ chỉ là họ hào nhoáng trước đồng tiền do bố mẹ con làm ra.

Kết quả hình ảnh cho đào hồng việt digiworld

* Ông có dự định cho con nối nghiệp bố?

Mỗi con người có cuộc sống riêng. Cuộc sống riêng đó hạnh phúc nhất là khi được làm những gì mình thích. Con tôi có thuận lợi hơn thế hệ của tôi - thế hệ không có gì cả nên nghĩ đến chuyện kinh doanh để đảm bảo cho cuộc sống gia đình.

Thế hệ con tôi và con những doanh nhân bây giờ sẽ quan tâm nhiều đến Financial Freedom (Tự do tài chính) để có thể theo đuổi ước mơ của mình.

Tôi nghĩ con người hạnh phúc nhất khi được theo đuổi ước mơ của chính họ. Tôi có thể ngồi đọc các báo cáo tài chính của các công ty Việt Nam hay thế giới, hay xem xét và phân tích mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia vào mỗi buổi tối – đó tôi cũng coi như việc giải trí. Đấy là sở thích của tôi, nhưng chưa chắc con tôi thích những việc tương tự. Làm sao tôi bắt nó làm?

Được sống một cuộc sống theo đúng ước mơ của mình là điều hạnh phúc nhất.

* Ước mơ của ông là gì?

Ước mơ của tôi là mội người được sống một cuộc đời lớn lao, nghĩ đến những cái xa hơn, được phù phiêu với những giấc của mình ngoài chuyện đi làm để kiếm tiền.

Công ty tôi có một anh Key Manager, giấc mơ của anh là mai mốt mua được một vườn nho trồng nho làm rượu, đọc sách. Tôi và anh ấy cùng thống nhất rằng: Muốn đạt được ước mơ ấy thì lộ trình phải thế nào, trước mắt phải làm gì, đạt được những thứ nào.

Tôi nghĩ khi tôi giúp mọi người phù phiêu với giấc mơ sâu thẳm nhất của mình đằng sau những hoạt động hàng ngày bắt buộc phải làm, khi ấy tôi thấy hạnh phúc nhất.

* Xin cảm ơn ông!

 

Đăng ký để nhận thông tin
Bình luận

Tin cùng chuyên mục