Thường xuyên căng thẳng, bạn không ngờ mình sẽ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng
Tác hại trước mắt của stress thì ai cũng rõ, nhưng liệu bạn có biết rằng căng thẳng kéo dài triền miên mà không được xử lí kịp thời có thể gây ra những hậu quả cực đáng sợ hay không?
Dưới áp lực từ công việc và các mối quan hệ xã hội, stress là tình trạng phổ biến mà hầu hết chúng ta đều thường xuyên gặp phải. Tác hại trước mắt của stress thì ai cũng rõ, nhưng liệu bạn có biết rằng, căng thẳng kéo dài triền miên mà không được xử lí kịp thời có thể gây ra những hậu quả cực đáng sợ hay không?
Nguy cơ đột quỵ cao hơn
Căng thẳng xuất hiện khi chúng ta bị áp lực về tâm lí hoặc có cú sốc tinh thần. Tình trạng này làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, khiến huyết áp tăng và tăng co bóp cơ tim, từ đó dẫn đến áp lực dòng máu tăng lên đột ngột. Đồng thời, căng thẳng thần kinh cũng làm tăng lượng cholesterol "xấu" khiến mảng xơ vữa dễ hình thành hơn, gây nhồi máu cơ tim.
Dễ bị trầm cảm hơn
Thông thường cơ thể bạn có thể tự hồi phục sau căng thẳng. Nhưng nếu những đợt căng thẳng đến liên tục và kéo dài, khả năng này sẽ bị giảm đi. Khi đó, những áp lực nặng nề đối với tâm trạng của bạn sẽ gây ra nhiều hệ lụy như chán nản, lo lắng, buồn phiền hay mất ngủ. Nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể thay đối khiến cơ thể luôn uể oải, tâm lí khó chịu, dễ cáu gắt với người khác, từ đó gây ra chứng trầm cảm.
Sụt giảm chất xám
Theo các nhà khoa học tại đại học Yale, nếu căng thẳng lặp lại hoặc kéo dài mãn tính, não của bạn sẽ co lại ở những khu vực có liên quan đến cảm xúc và chức năng sinh lí, ví dụ như huyết áp và mức đường huyết. Với những người vừa mới trải qua một đợt căng thẳng, lượng chất xám thấp hơn đáng kể ở một số phần của vỏ não nơi giữa trán. Có một điều may mắn là não có khả năng phục hồi khá nhanh khi cơn căng thẳng trôi qua, nhưng nếu bạn bị căng thẳng kéo dài thì những hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy đến. Lượng chất xám bị sụt giảm khiến bộ não của bạn không còn hoạt động hiệu quả dẫn đến những khó khăn trong công việc và cuộc sống.
Suy giảm tuổi thọ
Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ âm thầm để lại những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức khỏe mà bạn khó lòng nhận biết được. Những ảnh hưởng đó dần bào mòn cơ thể bạn và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn một cách rõ rệt. Ngoài ra, stress sẽ sản sinh ra một loại hormone có khả năng làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể hứng chịu nhiều nguy cơ với các bệnh thông thường hơn. Tất cả những điều này khẳng đinh rằng, stress triền miên là nguyên nhân hàng đầu khiến tuổi thọ con người sụt giảm nhanh chóng.
Điều quan trọng nhất là bạn cần nhận ra rằng, cơ thể bạn hoàn toàn có khả năng tự hồi phục nếu đợt căng thẳng nhanh chóng kết thúc, và từ đó những tác động xấu sẽ bị loại bỏ đi. Cố gắng lấy lại sự bình tĩnh bằng việc tập thể dục, thiền hay nghỉ ngơi đúng cách là những lựa chọn khôn ngoan giúp đẩy lùi căng thẳng nhanh chóng, đồng thời bảo vệ tối đa cơ thể cũng như trí óc của bạn.