Tiền ảo, luật thật
Giữa những ngày giáp Tết lạnh căm năm nay, Minh, một chuyên gia tư vấn về công nghệ thông tin cho một số ngân hàng lớn ở châu Âu nhắn tin mời tôi “đi nói chuyện”.
Trong khi người Hà Nội hối hả chen chân sắm tết, nhóm chúng tôi chỉ bàn về ý tưởng xây dựng một startup trên nền tảng công nghệ blockchain. Các chiến hữu của Minh, tuổi từ 30 đến 40, đều từng lăn lộn ở nước ngoài, đồng tình rằng: Việt Nam tràn đầy tiềm năng để phát triển công nghệ thông tin. Và nhất là họ không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng mà công nghệ blockchain đang mở ra trên toàn cầu.
Minh đã khá chao đảo vì một lần mất ước mơ khởi nghiệp ở Việt Nam, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấm các giao dịch tiền ảo. Nhưng Minh không định bỏ cuộc. Năm tháng sau cuộc gặp gỡ thú vị đó, anh quyết định rời công việc với mức lương tính bằng chục nghìn USD ở Pháp để về Việt Nam thực hiện dự định của mình. “Phải làm ngay bây giờ, không là quá muộn”, Minh lý giải. Trong vài tháng qua, anh đã xây dựng được một đội ngũ các nhà tư vấn có máu mặt trong ngành, làm việc cật lực để xây dựng chiến lược và gọi vốn cho startup của mình.
Nhưng công ty của họ đăng kí trụ sở ở Singapore.
Số người Việt lập nghiệp ở nước ngoài trong ngành công nghệ thông tin đông đảo. Nhiều người trong số họ ấp ủ ước mơ quay về lập nghiệp ở quê nhà. Minh, cũng như nhiều dân IT mà tôi biết, luôn kỳ vọng vào nỗ lực của chính phủ trong việc đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông. Thực sự, họ có lý do để kỳ vọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định mục tiêu của Việt Nam là khuyến khích phát triển công nghệ, coi đây phải là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Báo chí nước nhà thậm chí bão hòa với từ “cách mạng 4.0” - cách mạng số - đến mức có vị đại biểu quốc hội phải thốt lên rằng Việt Nam chúng ta “là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về bốn chấm không”.
Trong mười năm trở lại đây, một loạt các luật ra đời hoặc được sửa đổi, như Luật công nghệ thông tin, Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp… với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích startup trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực khựng lại ở lý thuyết.
Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Cho dù nhiều luật được ban hành, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và hợp lý, chưa nói đến việc các luật chồng chéo lên nhau tạo ra vô số rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như đối với thị trường công nghệ tài chính - fintech, hành lang pháp lý tại Việt Nam vừa cứng nhắc, lại thiếu, và hay thay đổi bất thình lình. Ví dụ như, vì lý do không thể quản lý, tiền mã hóa không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp, cũng như các giao dịch tiền mã hóa tại ngân hàng, cơ sở tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bị cấm hoàn toàn ở Việt Nam.
Luật hiện hành cũng chưa hề có các quy định liên quan tới gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) hay cho vay ngang hàng (P2P lending), là những hình thức hỗ trợ đặc biệt cần thiết với các dự án khởi nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp vừa khát khao khởi nghiệp vừa không ngừng lo ngại về sự ổn định của môi trường kinh doanh Việt Nam và tiếp tục ngại ngần khi tiếp cận. Họ nói rằng cảm thấy rất khó lường trước được động thái làm luật tiếp theo của chính phủ.
Và việc thiếu khung pháp lý khiến cho bức tranh trở nên mơ hồ một cách đáng ngại, ngay cả với người dân thường: các hoạt động nhân danh blockchain, đặc biệt là các cuộc ICO, hay kêu gọi góp vốn nói chung, tỏ ra thiếu hành lang pháp lý đến mức nguy hiểm. Bức tranh tiền số và blockchain liên tục bị tô đen bởi những vụ giám đốc công ty tự xưng “đào tiền ảo lớn nhất Việt Nam” biến mất cùng cả đống tiền đầu tư.
Tôi tự hỏi, bao giờ chúng ta làm được như Singapore. Đất nước này có một khuôn khổ pháp lý ổn định, rõ ràng, và cực kỳ thân thiện với doanh nghiệp. Để thúc đẩy phát triển các ứng dụng công nghệ blockchain cũng như để thu hút các công ty nước ngoài đăng kí trụ sở ở Singapore, chính phủ nước này cho phép doanh nghiệp thực hiện ICO - gọi vốn bằng tiền mã hóa - nhưng đồng quản lý hoạt động này bằng việc đặt ra các quy định, tiêu chí chặt chẽ để hạn chế các nguy cơ lừa đảo hay các rủi ro về gian lận, trốn thuế.
Hay khi phải đối mặt với những thay đổi do công nghệ, Singapore thực hiện một chương trình cho phép doanh nghiệp thí điểm ý tưởng, sản phẩm hoặc dịch vụ mới trong một khoảng thời gian nhất định và trong khuôn khổ nới lỏng do Cơ quan Tiền tệ Singapore quản lý.
Đó là một trong mười nơi đáng khởi nghiệp nhất thế giới. Càng ngày càng có nhiều startup công nghệ thông tin do người Việt sáng lập, hoạt động ở thị trường Việt Nam, nhưng đặt trụ sở và giấy phép kinh doanh ở Singapore. Vì điều đó, một mặt nhà nước Việt Nam mất đi nguồn thu tài chính lớn từ thuế doanh nghiệp, mặt khác hiện tượng “chảy máu khởi nghiệp”, gồm chất xám, cơ hội và vốn, qua trào lưu này lại càng trầm trọng.
Tôi biết chắc một điều, rằng người Việt tài giỏi không thiếu, người Việt hướng về quê hương cũng không thiếu. Tiền thì ảo, nhưng khát vọng là thật, giá trị xã hội cũng có thể thật, nếu như nó được bảo vệ và khuyến khích bằng một khung pháp lý thật. Chứ không phải là những lời kêu gọi trong hội nghị. Cái đó là ảo.
Nguồn: VNexpress