Vì sao Mark Zuckerberg dễ dàng thoát hiểm sau 5 tiếng điều trần tại Thượng viện Mỹ?
Nhiều người nhận định Mark Zuckerberg không bị tổn hại gì sau phiên điều trần của Uỷ ban Thương mại và Tư pháp Thượng viện trong khi quá nhiều Thượng nghị sĩ tỏ ra "chẳng hiểu gì về Facebook".
Lần đầu tiên xuất hiện trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, ông chủ Facebook đã làm tốt dù liên tục phải trả lời những câu hỏi chất vấn trong suốt 5 tiếng từ những người quyền lực hàng đầu trên chính trường Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các Thượng nghị sĩ lại hỏi Mark với những câu hỏi chẳng có ý nghĩa gì về cách Facebook hoạt động, những giải pháp mà đội ngũ lãnh đạo đưa ra cho những vấn đề của nền tảng mạng xã hội này hay cá nhân Mark đang nỗ lực những gì trong việc điều hành Facebook.
Trong ngày điều trần đầu tiên tại Uỷ ban Thương mại và Tư pháp Thượng viện, nhiều Thượng nghị sĩ cũng cho thấy sự lạc hậu của họ với công nghệ của Thế kỷ 21.
Và kết quả là vấn đề đáng được quan tâm nhất - "sự riêng tư của người dùng trên mạng xã hội và bê bối lạm dụng dữ liệu người dùng" - đã không được đề cập một cách xứng đáng. Trong thời điểm nước Mỹ cần một cuộc đối thoại thông minh về sự riêng tư của người dùng trên mạng xã hội, các nghị sĩ Mỹ lại đưa ra những câu hỏi không có nhiều ý nghĩa và lệch tâm.
Tuy nhiên, vẫn có những Thượng nghị sĩ đưa ra những câu hỏi rất có ý nghĩa. Đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, người chỉ trích mạnh mẽ những thất bại của Zuckerberg trong việc thu thập trái phép dữ liệu người dùng. Harris nhấn sâu vào vấn đề vì sao Facebook không thông báo cho người dùng về việc Cambridge Analytica thu thập trái phép dữ liệu của họ trong năm 2015.
Dẫu vậy, các nhà lập pháp dường dư chỉ quan tâm tới việc yêu cầu Zuckerberg giải thích cơ chế làm việc của Facebook. Một số câu hỏi còn cho thấy người hỏi không thực sự hiểu rõ những điều cơ bản nhất của nền tảng mạng xã hội này cũng như mô hình kinh doanh của nó. Một trong số đó là Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, người hỏi về cách Facebook duy trì mô hình kinh doanh khi người dùng không trả tiền. Câu trả lời của Zuckerberg là quảng cáo, điều mà hầu như mọi người đều biết rõ.
Tại Thượng viện, Zuckerberg đã tránh được những câu hỏi hóc búa nhất về mức độ giám sát dữ liệu người dùng của Facebook hay tại sao công ty lại không minh bạch với người dùng về việc dữ liệu cá nhân của họ bị sử dụng và lạm dụng như thế nào. Ngoài ra, những trọng tâm khác như vấn đề nước ngoài can thiệp vào chiến dịch bầu cử năm 2016 của Mỹ, những phát ngôn gây thù nghịch hay sự thiếu minh bạch của Facebook trong vấn đề quản cáo chính trị cũng không được đặt trọng tâm.
Trong khi đó, những câu hỏi của các Thượng nghị sĩ cũng thiên về việc ép ông chủ Facebook giải thích vì sao người dùng có thể tin tưởng vào mạng xã hội này hơn là tìm hiểu những bước đi cụ thể để mạng xã hội này kiểm soát và chia sẻ dữ liệu người dùng một cách tốt hơn. Đây cũng là cơ hội để Zuckerberg phát huy thế mạnh: Nhận trách nhiệm và cam kết làm tốt hơn. Thậm chí, đa phần các thượng nghị sĩ đều không quan tâm tới việc vì sao Zuckerberg không làm những điều mà anh ta cam kết sớm hơn.
Suốt 5 tiếng điều trần, giai đoạn khó khăn nhất của Zuckerberg là lúc bị Thượng nghị sĩ Harris yêu cầu giải thích vì sao Facebook không công khai vụ việc Cambridge Analytica vào năm 2015 và vì sao mạng xã hội này chỉ công khai vụ việc sau khi bị báo chí phanh phui đầu năm 2018, tức là 3 năm sau đó.
Trong khi đó, nhiều câu hỏi khó từ các nghệ sĩ đã được Zuckerberg né tránh thành công bởi sự thiếu sót trong cách diễn đạt của họ. Một trong số đó là câu hỏi về việc Facebook dùng dữ liệu người dùng để lấy doanh thu từ quảng cáo. Tuy nhiên, ông chủ Facebook đã khéo léo né tránh vấn đề bằng việc giải thích họ kiếm tiền từ lượt tiếp cận của người dùng chứ không phải dữ liệu của họ.
Trước khi tham dự phiên điều trần, Zuckerberg đã có những buổi tập dượt nghiêm túc và căng thẳng với luật sư, chuyên gia tư vấn và các cố vấn. Nhà sáng lập Facebook tỏ ra bình tĩnh và giữ thế chủ động trong suốt phiên điều trần.
Dù không trải qua những thách thức thực sự trong buổi điều trần nhưng Zuckerberg vẫn nhận trách nhiệm. Điều mà ai cũng có thể nhìn rõ là cách Zuckerberg nhận trách nhiệm và hứa sẽ sửa chữa. Khi gặp câu hỏi khó, Zuckerberg đều hứa sẽ trả lời sau.
Cuộc chất vấn nhẹ nhàng tới mức khi chủ tọa đề nghị nghỉ giải lao, Zuckerberg tự tin có thể trả lời thêm những câu hỏi khác.
Kết thúc phiên điều trần của nhà sáng lập, cố phiếu Facebook đã tăng tới 4,5%.
Ngày 11/4, Zuckerberg sẽ tham gia phiên điều trần thứ 2 trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện. Những thuận lợi trong phiên điều trần đầu tiên sẽ là động lực đáng kể với nhà sáng lập Facebook khi tham gia buổi làm việc thứ hai trước các nhà lập pháp Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng vào những câu hỏi hóc búa mà các Hạ nghị sĩ dành cho Zuckerberg nhằm làm sáng tỏ cách thức hoạt động của Facebook cũng như bảo vệ tốt hơn dữ liệu và sự riêng tư của người dùng.
Các buổi điều trần diễn ra sau khoảng 3 tuần xảy ra vụ bê bối của Cambridge Analytica, công ty có liên quan đến cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump, đã khai thác trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook.